Những smartphone Android quan trọng nhất thập kỷ
Google Nexus One (2010)
Smartphone này là khởi đầu cho tham vọng lấn sân phần cứng của Google. Tuy nhiên, công ty tìm kiếm vẫn phải nhờ đến công ty bên thứ ba sản xuất, là HTC. Máy ra mắt với phần cứng khá tốt khi đó, gồm màn hình 800 x 400 pixel, bộ xử lý Qualcomm Scorpion 1GHz, trang bị trackball theo phong cách Blackberry, chạy Android 2.1 Eclair.
Samsung Galaxy S2 (2011)
Samsung ra Galaxy S đời đầu vào 2010, nhưng thế hệ kế tiếp mới mang lại thành công cho hãng điện tử Hàn Quốc, đồng thời góp phần giúp Android trở nên phổ biến. Máy chạy chip Exynos 1,2 GHz, RAM 1 GB, màn hình AMOLED, camera 8 megapixel - những thông số giúp máy có thể cạnh tranh sòng phẳng với iPhone 4s của Apple thời bấy giờ.
Samsung Galaxy Note (2011)
Cũng trong 2011, Samsung đã ra mắt Galaxy Note với màn hình 5,3 inch - kích thước rất lớn thời bấy giờ. Hãng điện tử Hàn Quốc đã cho thấy khả năng "nhìn trước tương lai" của mình, mở ra xu hướng smartphone màn hình lớn sau này. Ngày nay, màn hình dưới 5 inch đang trở nên quá nhỏ, trong khi 6 - 6,5 inch đang là tiêu chuẩn chung của ngành điện thoại.
Motorola Moto G (2013)
Ngay từ khi ra mắt, hệ điều hành Android đã được các nhà sản xuất hướng đến sản phẩm giá rẻ. Tuy nhiên, Motorola Moto G mới thực sự là thiết bị vừa có cấu hình tốt, giá cả phải chăng (179 USD) và chạy Android với rất ít ứng dụng "rác" đi kèm - gây phiền nhiễu cho không ít người dùng khi đó. Ngoài ra, smartphone của Motorola còn được ưa chuộng nhờ khả năng tùy biến lớp vỏ lưng nhiều màu sắc, cũng như hỗ trợ cập nhật Android lâu dài.
OnePlus One (2014)
Tháng 4/2014, thị trường smartphone bất ngờ xuất hiện một thương hiệu đến từ Trung Quốc có tên OnePlus. Những thiết bị của hãng này nhanh chóng được đánh giá là "sát thủ flagship" bởi chúng có cấu hình rất mạnh và giá chỉ bằng nửa sản phẩm ngang tầm. Chẳng hạn, OnePlus One có cấu hình tương tự Galaxy S5, nhưng chỉ có giá 299 USD, trong khi model của Samsung lên đến 649 USD. OnePlus cũng là một trong những hãng đi đầu về xu hướng smartphone cấu hình mạnh giá rẻ sau này.
HTC One M7 (2013)
Khi hầu hết smartphone Android dùng vỏ nhựa, HTC đã dẫn đầu xu hướng với chiếc M7 toàn thân bằng nhôm nguyên khối vào 2013. Máy cũng được nhận xét tích cực về thiết kế, là nguồn cảm hứng cho những sản phẩm khác sau này.
LG G5 (2016)
Năm 2019 xuất hiện nhiều smartphone có camera với ống kính góc siêu rộng, như Galaxy Note10 hay iPhone 11 Pro. Tuy nhiên, LG đã tích hợp nó lên G5 cách đây gần 4 năm. Ngoài ra, thiết kế dạng module cũng giúp sản phẩm này gây ấn tượng với giới công nghệ, dù người dùng không đón nhận.
Google Pixel 2 (2017)
Khi cuộc đua camera đa ống kính trên smartphone đang rầm Công ty dịch thuật Đồng Nai rộ, Google bất ngờ công bố Pixel 2 với camera đơn nhưng vẫn cho phép ghi lại hình ảnh chất lượng cao, đặc biệt là chụp thiếu sáng và xóa phông. Thuật toán chính là yếu tố giúp Google thành công trên Pixel 2 và các thế hệ Pixel sau này, đồng thời chứng minh việc smartphone chụp ảnh đẹp chưa hẳn dựa vào phần cứng camera.
Samsung Galaxy S8 (2017)
Galaxy S8 được đánh giá là mở đầu cho xu hướng màn hình viền siêu mỏng. Những thiết bị về sau đã dựa trên cảm hứng của smartphone Samsung để làm viền máy càng mỏng càng tốt, thậm chí tìm cách giấu camera trước để phần này mỏng nhất có thể. Cũng từ đó, các trào lưu như camera "thò thụt", màn hình "giọt nước", "nốt ruồi", "tai thỏ"... ra đời.
Bảo Lâm (theo 9to5google )
Nhận xét
Đăng nhận xét